Nội dung bài viết
Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang, Việt Nam. Ở thời điểm năm 2013, thì đây là “tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất Việt Nam và Châu Á” – Theo Wikipedia

Tượng phật di lặc trên đỉnh núi cấm xuất hiện
Tượng do nhà điêu khắc Thụy Lam phác thảo bản vẽ và giám sát xây dựng. Sau gần 2 năm thi công (tháng 2.2004 – tháng 12.2005) công trình hoàn thành và liên tục đạt nhiều kỷ lục trong nước và quốc tế.
Quy mô tượng phật di lặc trên đỉnh núi cấm
Rộng 27 x 27m, cao 33,6m, nặng gần 1.700 tấn, tượng Phật Di Lặc trên Núi Cấm (Tịnh Biên – An Giang) không chỉ thu hút du khách bởi danh hiệu: Công trình lớn nhất trên đỉnh núi ở Châu Á, mà còn bởi sở hữu nhiều vẻ đẹp hài hòa với ngọn núi cao và hùng vĩ nhất trong dãy Thất Sơn huyền bí…
Sơ lược về tượng phật di lặc trên đỉnh núi cấm
Ngay năm đầu đưa vào hoạt động (2006), công trình nghệ thuật đồ sộ này cũng được xác lập kỷ lục “Tượng Phật ngồi lớn nhất Việt Nam”. Đến năm 2008, tiếp tục được Trung tâm sách Kỷ lục công nhận: “1 trong 14 kỷ lục Phật giáo Việt Nam”. Đến tháng 5.2013, được tổ chức Sách Kỷ lục Châu Á, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là Tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên núi ở Châu Á.
Tượng Phật Di Lặc có chiều cao từ dưới chân đế đến đỉnh đầu tượng là 33,6 m, diện tích bệ tượng 27 x 27m. Tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng gần 1.700 tấn bê tông cốt thép. Tượng đặc tả rõ nét nụ cười an nhiên, từ bi, hỉ xả và bụng to đặc trưng của Phật Di Lặc. Chân đế bệ tượng làm bằng đá gắn kính phản xạ cao cấp màu xanh ve mang ý nghĩa một khối kim cương.
Khi đứng ở vị trí nào trên núi Cấm cũng đều thấy được tượng Phật Di Lặc màu trắng sáng, ngồi uy nghiêm giữa không gian xanh ngát với nụ cười hiền “đặc hữu”. Bên ngoài pho tượng được thiết kế nhiều công trình phụ trợ khá công phu. Và tất cả càng trở nên lung linh khi đặt pho tượng vào mối tương quan với khung cảnh rừng núi bao quanh.
Tọa lạc trên vồ cao thuộc khu vực hồ Thủy Liêm nằm vắt mình trên ngọn núi cao trên 700m so mặt nước biển, Tượng Phật Di Lặc lưng tựa núi, mặt hướng ra mặt hồ quanh năm ngấn nước trong xanh, như chiếc gương thiên nhiên khổng lồ bốn mùa soi bóng ngọn núi cao và hùng vĩ nhất trong dãi Thất Sơn huyền bí.
Thỉnh thoảng, mây mù sau những giờ rong chơi từ các cánh rừng nguyên sinh lại sà xuống khiến cho mặt hồ đang đón những tia nắng đầu ngày… càng thêm phảng phất chút huyền ảo màu liêu trai.
Chính không gian lung linh sắc màu này đã làm tôn vinh thêm vẻ đẹp của công trình tôn giáo. Vì thế mà tuy chỉ xuất hiện không lâu, nhưng Tượng Phật Di Lặc này đã trở thành biểu tượng văn hóa – du lịch của Núi Cấm, khiến cho vùng đất là điểm đến của An Giang ngày càng thêm nhiều bước chân tìm đến khám phá…
Theo nhiều nhà chuyên môn, tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm đạt độ thẩm mỹ cao về kiến trúc và hài hòa giữa không gian núi rừng…. Hiện tại, các hạng mục ở bên ngoài và bên trong pho tượng vẫn còn đang được tiếp tục…